Phát triển nông nghiệp bền vững, cần chuyển đổi số trong mọi quy trình
06/06/2024
Lượt xem: 44
Cách đây không lâu, tại diễn đàn Hợp tác xã quốc gia năm 2024 hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững, nhiều quan điểm, góc nhìn, giải pháp đã được đưa ra.
Tựu chung cho quan điểm từ đại diện các nhà quản lý, đơn vị, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp nêu ra có điểm chung hướng đến chính là cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chính sách cho nông nghiệp phù hợp, đặc biệt, tích cực áp dụng, đẩy mạnh các ứng dụng, thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN), thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) đối với các quy trình, chuỗi giá trị các sản phẩm đầu vào, ra và các mô hình đầu tư, kinh doanh mới.
Cần có sự tương tác, liên kết số
Ở quan điểm đại diện cơ quan quản lý, nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái cho rằng CĐS nông nghiệp khi được làm tốt, tích cực sẽ góp phần đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ nhanh, hiệu quả, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch.
Hơn nữa, để thúc đẩy nhiệm vụ, hoạt động này, ngành nông nghiệp cần phải chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mới, công nghệ cao, nhất là công nghệ 4.0 trong sản xuất ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về KH&CN, có khả năng, năng lực về quản trị công nghệ số.
“Cần đảm bảo tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cho người sản xuất nông nghiệp và những người làm công các KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp có được cơ hội tương tác, liên kết số để cùng nhau thúc đẩy, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, để làm được điều này ngành nông nghiệp, cần đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN cho người dân, DN nông nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dựng các dữ liệu điện tử chuyên sâu, chuyên ngành về KH&CN phục vụ để phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt, cần xây dựng, nhân rộng, phổ biến các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả cho khu vực kinh tế nông nghiệp thông qua việc tăng cường nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất như: VietGap, Global Gap; thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh 5S - Kaizen; tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000; tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, Rainforest, UTZ, Fairtrade…
Đánh giá cao các quan điểm của Thứ trưởng Trần Hồng Thái, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp số hiện nay, vai trò của các chính sách như tìm đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp cũng rất quan trọng.
Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh thực hiện những chính sách tự nguyện về bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… sẽ góp phần làm giảm các thiệt hại, rủi ro không mong muốn cho người nông dân và các đơn vị, DN nông nghiệp.
Và để làm được điều này, các tổ chức, đơn vị khi tham gia chương trình bảo hiểm cần đảm bảo cung cấp, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, sử dụng các ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm… Tất cả hướng đến thực hiện, chấp hành đúng các chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận lợi, công bằng, bền vững.
CĐS trong mọi quy trình dựa trên các ứng dụng, nền tảng số
Ở quan điểm khác, TS. Lê Tuấn An, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) (INOSTE) thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, và sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, các đơn vị, DN nông nghiệp vẫn luôn luôn thường trực những hạn chế, khó khăn, đó là về tốc độ, sự bắt kịp các công nghệ quá nhanh, mới.
Do đó, để thích nghi, bắt kịp với xu thế này các đơn vị, DN nông nghiệp cần phải nhanh chóng thay đổi về các mô hình quản trị, quản lý theo xu thế đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo vào hoạt động SXKD, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu sản phẩm tạo ra những giá trị cạnh tranh mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Đặc biệt, đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng KH&CN, CĐS, đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao hiệu quả và minh bạch hóa môi trường SXKD, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ổn định, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi ngày một bền vững”, TS. Lê Tuấn An nhấn mạnh.
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả các mô hình nông nghiệp số, các đơn vị, DN nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ số trong hoạt động SXKD, nhất là sử dụng các: Phần mềm kế toán; ứng dụng phần mềm, nền tảng số trên thiết bị điện thoại thông minh; tham gia giao dịch trên các trang thương mại điện tử…
Hơn nữa, TS. Lê Tuấn An còn nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh việc sử dụng các công nghệ kết nối vạn vật (IoT); công nghệ cảm biến, nhận dạng hình ảnh; công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ robot; đẩy mạnh thanh toán điện tử… Đặc biệt, cần CĐS trong công tác quản trị, không chỉ ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất, nuôi trồng.
Ở quan điểm khác, là một DN có nhiều thành công trong hoạt động về lĩnh vực CĐS nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, muốn phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với phát triển trong xu hướng số mạnh mẽ hiện nay thì việc áp dụng CĐS là một sự lựa chọn cần phải được làm thường xuyên, nhất là phải tạo ra sự CĐS ngay trong mọi quy trình, nhất là cần phải có các nền tảng số hóa toàn bộ các hoạt động của quá trình canh tác.
Cụ thể, cần có nền tảng số hóa để có thể theo dõi, cập nhật và thực hiện toàn bộ các tác vụ trên ứng dụng số, đồng thời, đảm bảo toàn bộ hoạt động canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc), sử dụng dịch vụ nông nghiệp (làm đất, phun thuốc, sạ giống, sạ phân, thu hoạch, cuộn rơm), dịch vụ vay, trả ngân hàng… đều được tích hợp trên ứng dụng số hóa, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Thòn, khi có các nền tảng số, các nông dân khi sử dụng cần có những kiến thức cơ bản để có thể chủ động cập nhật toàn bộ thông tin vào phần mềm, bao gồm: Thông tin cá nhân (tên, CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…); thông tin về liên kết sản xuất: hợp đồng liên kết sản xuất, thỏa thuận vay ngân hàng/DN, giống, diện tích, phương pháp xác định giá mua lúa (chốt giá)…; thông tin về đất canh tác (vị trí, diện tích…); thông tin sử dụng vậy tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc: ngày sử dụng, lượng sử dụng)...
Hơn nữa, các hộ nông dân, đơn vị, DN nông nghiệp cần có: Thông tin thu hoạch; các thông tin về dịch vụ, tài chính… tất cả phải được đảm bảo đầy đủ dữ liệu trên các phần mềm tích hợp số và được liên kết, liên thông với hệ thống ngân hàng để thuận tiện việc tự động giải ngân, thu tiền, theo dõi công nợ, thế chấp, bảo lãnh…
Như vậy có thể nói, với những phân tích, chia sẻ quan điểm, giải pháp nêu trên, việc chúng ta thực hiện xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp hướng đến hiện đại, số hoá mọi quy trình chính là một xu hướng bắt buộc, cần được thực hiện tích cực, thường xuyên. Và khi chúng ta hướng đến một nền nông nghiệp số xanh - sạch, bền vững, yếu tố không thể thiếu chính là cần sử dụng “chìa khoá” đổi mới, ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, vì điều này khi chúng ta làm tốt sẽ giúp mở ra những giá trị hiệu quả bền vững, sự thịnh vượng trong hiện tại và cả tương lai./.
|